Chủ nhật, ngày 2 – 12 – 2018, lớp ĐH Kinh doanh xuất bản phẩm 10 đã có một chuyến đi thực tế, tham dự buổi Giao lưu – giới thiệu Bộ sách Vùng đất Nam Bộ do cố Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê làm chủ biên. Buổi giao lưu được Nhà xuất bản chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Công ty TNHH Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. Chuyến đi thực tế này cũng là một tiết học trong học phần Quan hệ công chúng trong kinh doanh xuất bản phẩm do TH.S Thái Thu Hoài giảng dạy. Buổi giao lưu có sự góp mặt của các tác giả, diễn giả, học giả có uy tín và thâm niên nghiên cứu và giảng dạy trong lĩnh vực này tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận như: PGS. TS Phan Xuân Biên, GS.TS Ngô Văn Lệ, PGS.TS. Trần Nam Tiến, TS Lưu Trần Luân,...
Buổi giao lưu đã giúp cho các bạn sinh viên có được những trải nghiệm mới mẻ và thú vị.
Trước nhất, chính là có thể học hỏi được những kiến thức kinh nghiệm thực tiễn trong việc tổ chức sự kiện, việc phát hành một bộ sách, sự chuẩn bị chỉnh chu và chuyên nghiệp của Ban tổ chức đã giúp cho buổi giao lưu diễn ra thành công tốt đẹp, đối với các bạn sinh viên đồng thời đó cũng chính là “bộ phim tài liệu” tuyệt vời cái mà các bạn có thể áp dụng vào quá trình học tập cũng như công việc trong tương lai.
Thông qua buổi giao lưu trò chuyện cùng với PGS. TS Phan Xuân Biên, GS.TS Ngô Văn Lệ, PGS.TS. Trần Nam Tiến, TS Lưu Trần Luân đã mang lại cho các bạn sinh viên nhiều kiến thức bổ ích về Nam Bộ, vùng đất mà các bạn đang học tập và sinh sống. Lời chia sẻ của các tác giả, diễn giả nhà khoa học uy tín từ nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau chính là những mảnh ghép tạo nên bức tranh về vùng đất Nam Bộ với cái nhìn toàn diện và tổng quát nhất. Theo PGS. TS Phan Xuân Biên trình bày, giá trị của bộ sách là việc cho thấy được tính toàn bộ, toàn diện về lịch sử Việt Nam, những công lao của ông cha ta trong việc mở cõi và bảo vệ chủ quyền đất nước.
Nói về điều thú vị trong văn hóa ở Nam Bộ GS.TS Ngô Văn Lệ đã chỉ ra điểm đặc biệt làm nên giá trị của vùng đất Nam Bộ đến từ chính các cộng đồng dân cư sinh sống nơi đây với bốn cộng đồng dân cư chủ lưu là người Việt, người Khmer, người Hoa và người Chăm tuy có ngôn ngữ và văn hóa khác nhau nhưng đã cùng nhau sinh sống trên vùng đất này từ bao đời nay. Ngoài ra điểm đặc biệt đó cũng thể hiện trong tôn giáo của Nam Bộ. Nam Bộ là nơi hình thành và phát triển của nhiều tôn giáo khác nhau được gọi là tôn giáo dân tộc hay tôn giáo địa phương như: Cao đài, Hòa Hảo,..nhưng nó lại không lan tỏa đến những vùng khác mà chỉ phát triển tại vùng đất này, tạo nên nét đặc trưng riêng cho Nam Bộ.