bởi quản trị viên | Ngày đăng: 23-04-2022
VHSO - Ngày 30/4/1975, đại thắng mùa xuân đã làm thất bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược và ách thống trị thực dân mới của đế quốc Mỹ ở miền Nam Việt Nam, giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc vẻ vang cuộc chiến tranh cứu nước lâu dài nhất, khó khăn nhất và vĩ đại nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của nhân dân ta…
Các nhân chứng lịch sử tham gia buổi gặp gỡ, giao lưu chiều ngày 22/4: Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, đại tá Nguyễn Khắc Nhu (Thứ 2 từ trái sang); Bà Trương Mỹ Lệ (Tư Liêm), nguyên Quyền Bí thư Thành Đoàn (Thứ 3 từ trái sang) và Phó giáo sư, tiến sĩ, nhà lý luận phê bình điện ảnh Trần Luân Kim (Thứ 4 từ trái sang).
Nhân dịp Kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/04/1975 - 30/04/2022); Nhằm góp phần tuyên truyền, giáo dục học sinh, sinh viên về truyền thống đấu tranh cách mạng và giới thiệu một số tư liệu điện ảnh quý giá ghi lại những thời khắc lịch sử của dân tộc. Được sự chấp thuận của Đảng ủy và Ban Giám hiệu Nhà trường. Chiều ngày 22/4/2022, tại Hội trường C, Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh. Phòng Công tác Sinh viên, Ban chấp hành Đoàn Thanh niên, Ban chấp hành Hội Sinh viên Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh phối hợp cùng Nhà Văn hóa Điện ảnh tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức chương trình gặp gỡ, giao lưu với nhân chứng lịch sử và giới thiệu phim tài liệu “Chiến thắng lịch sử Xuân 1975”.
BTC tặng hoa cảm ơn cho các nhân chứng lịch sử tham gia buổi gặp gỡ, giao lưu.
Tại buổi mạn đàm chiều ngày 22/4, đông đảo khách mời và sinh viên Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh đã được nghe lại những câu chuyện lịch sử do các nhân chứng lịch sử từng tham gia vào chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 kể lại. Đó là Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, đại tá Nguyễn Khắc Nhu và Bà Trương Mỹ Lệ (Tư Liêm), nguyên Quyền Bí thư Thành Đoàn. Ông Nguyễn Khắc Nhu, nguyên là sĩ quan tác chiến trong chỉ huy mũi thọc sâu của Quân đoàn 2 đánh chiếm Dinh Độc Lập, là một trong những người tham gia áp giải tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh từ Dinh Độc Lập sang Đài Phát thanh Sài Gòn để tuyên bố đầu hàng trong buổi trưa 30/4/1975; Bà Trương Mỹ Lệ từng giữ vai trò là người tổng chỉ huy thuộc lực lượng Thành Đoàn trong nội thành trong chiến dịch Hồ Chí Minh 1975. Cùng tham gia vào buổi mạn đàm còn có sự chia sẻ của Phó Giáo sư, tiến sĩ Trần Luân Kim. Chính những trải lòng của Phó giáo sư, tiến sĩ, nhà lý luận phê bình điện ảnh Trần Luân Kim ở góc nhìn của một người làm nghệ thuật về sự kiện ngày 30/4/1975 đã giúp cho thế hệ trẻ hiểu thêm trong chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, điện ảnh Việt Nam đã thể hiện cụ thể vai trò đồng hành cùng lịch sử dân tộc như thế nào qua bộ phim tài liệu “Chiến thắng lịch sử Xuân 1975”.
Đông đảo khách mời và sinh viên Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh tham dự buổi gặp gỡ, giao lưu.
Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn miền Nam năm 1975 mãi là một mốc son lịch sử chói lọi của dân tộc; từ đó mở ra thời kỳ độc lập, tự chủ, tự cường, góp phần khẳng định tầm vóc vĩ đại và ý nghĩa lịch sử của cuộc kháng chiến chống xâm lược và trên hết là khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam. Kỷ niệm 47 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022) là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc. Đồng thời phát huy tinh thần và hào khí của Đại thắng mùa Xuân 1975 để đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đi vào cuộc sống, phấn đấu xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng phồn vinh, cường thịnh, thực hiện thắng lợi mục tiêu cao cả của Đảng: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội./.
Tin và ảnh: Hoàng Hải
BBT Webste Trường Đại học Văn hóa TP.HCM.