Xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi một ngày nắng sớm, nhóm chúng tôi đi thực địa tìm hiểu làng nghề đan lát mây tre. Với những bước chân đầu tiên của sinh viên khi lần đầu xuống địa bàn nghiên cứu với nhiều lo lắng, bỡ ngỡ. Tuy nhiên, chúng tôi đã được người dân và chính quyền xã Thái Mỹ hỗ trợ, giúp đỡ nhiệt tình về nơi ở cũng như hướng dẫn đến găp các hộ gia đình cần phỏng vấn và thảo luận nhóm. Quá trình đi “lân la” làm quen đã giúp chúng tôi gặp gỡ những người dân trong cộng đồng. Các cô chú hướng dẫn chúng tôi tự làm các sản phẩm đan lát. Đây là một trải nghiệm thú vị của nhóm.
Hình 1: “Đi lân la” làm quen với cộng đồng
Hình 2: Trải nghiệm tự làm các sản phẩm đan lát
Hạnh phúc chưa dừng lại ở đó, sau khi làm quen với các hộ gia đình làm nghề đan lát, chúng tôi tiến hành thảo luận nhóm sử dụng các công cụ vẽ sơ đồ cộng đồng, cây vấn đề, cây mục tiêu,..để thu thập dữ liệu. Buổi thảo luận nhóm diễn ra trong không khí sôi nổi, náo nhiệt với những chia sẻ cởi mở về làng nghề, những dòng chữ mộc mạc được cô chú viết lên giấy. Không biết từ bao giờ, một sợi dây liên kết tình người đã kéo chúng tôi lại gần nhau hơn, thân thiết hơn.
Hình 3: Thảo luận nhóm để thu thập thông tin cùng các cô trong làng nghề đan lát
Ngày cuối ở lại địa bàn nghiên cứu, với sự giúp đỡ của các cô chú trong làng nghề, chúng tôi đã hoàn thành các mục tiêu trong học tập, không chỉ là kiến thức mà còn hiểu về những thăng trầm của làng nghề và nỗi niềm của những nghệ nhân nơi đây. Dù đã đến ngày phải quay trờ về nhưng chúng tôi, với tâm trạng bồi hồi như ngày đầu tới đây, vẫn ước mong được một lần quay trở lại để được học hỏi, nghiên cứu, và gặp lại những gương mặt thân thương. Những món quà nhỏ thay cho lòng biết ơn, những lời cảm ơn chưa bao giờ thấy đủ, những nụ cười, những cái ôm thật chặt thay lời tạm biệt nơi đây. Ngay lúc này, chúng tôi, vẫn bồi hồi xúc động khi nhớ về những phút giây trải nghiệm đó.
Bài và ảnh: Trần Thị Huyền
(Sinh viên lớp Công nghiệp văn hóa 1, khóa 2018 - 2022)