1. Tầm quan trọng của lý thuyết nghiên cứu đối với một đề tài khoa học
Trong nghiên cứu khoa học, lý thuyết nghiên cứu là nền tảng vô cùng quan trọng bởi “lý thuyết là kinh nghiệm, kiến thức, tri thức, trí tuệ của các thế hệ tích lũy lại, cung cấp cho người nghiên cứu cơ sở kiến thức để lập luận và kiến giải các vấn đề nghiên cứu” [5]. Vì lẽ đó, sẽ không quá nếu nói hệ thống lý thuyết nghiên cứu chính là “quỹ đạo” của nhà nghiên cứu. Và để kết quả nghiên cứu đảm bảo đạt những giá trị khoa học cần thiết, thì quá trình triển khai nghiên cứu, nhà nghiên cứu không thể đi chệch cái “quỹ đạo” đó.
Không chỉ gọi là “quỹ đạo”, mà hệ thống lý thuyết còn có thể được xem là “chìa khóa” để nhà nghiên cứu trả lời các câu hỏi nghiên cứu trên nền tảng khoa học và lý luận. Khi có được lý thuyết nghiên cứu phù hợp, nhà nghiên cứu sẽ thuận tiện trong việc xây dựng cấu trúc của đề tài, hướng giải quyết vấn đề nghiên cứu cũng như việc đặt ra các giả thuyết nghiên cứu phù hợp.
Như vậy, vai trò của lý thuyết trong nghiên cứu khoa học là cung cấp các khái niệm, khung lý thuyết để nhà nghiên cứu kiến giải câu hỏi nghiên cứu từ cơ sở khoa học một cách tường minh, thuyết phục. Vì vậy, yêu cầu đầu tiên đặt ra đối với những ai khi bắt đầu vào con đường nghiên cứu khoa học là nghiên cứu hệ thống lý thuyết, lý luận nghiên cứu thuộc lĩnh vực khoa học mà họ quan tâm.
2. Những khó khăn trong việc tiếp cận, áp dụng các lý thuyết nghiên cứu trong đề tài khoa học
- Khó khăn trong việc tiếp cận lý thuyết nghiên cứu
Trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, có thể kể đến các lý thuyết nghiên cứu phổ biến hiện nay như thuyết Tiến hóa thế kỷ 19 (bao gồm thuyết Tiến hóa đơn tuyến của Lewis Henry Morgan, Edward Tylor và Tiến hóa đa tuyến của Herbert Spencer); thuyết Nhân học văn hóa Mỹ nửa đầu thế kỷ XX với các đại diện như Franz Boas, Margaret Mead, Ruth Benedict; Nhân học xã hội Anh nửa đầu thế kỷ XX với các đại diện Reginald Radcliffe-Brown, Bronislaw Malinowski; thuyết Lựa chọn duy lý với các đại diện Fredrik Barth, Penelope Brown; thuyết Tân tiến hoá và cách tiếp cận duy vật với các đại diện Leslie White, Julian Steward;… Mỗi lý thuyết sẽ là công cụ phù hợp để giải quyết một, hoặc một số vấn đề nghiên cứu nào đó.
- Khó khăn trong việc áp dụng lý thuyết nghiên cứu
Hiện nay, việc tiếp cận một cách đầy đủ, nguyên bản những lý thuyết này của giảng viên khối nghệ thuật không đơn giản mà nguyên nhân phần lớn là khả năng ngoại ngữ của giảng viên khối nghệ thuật còn hạn chế do trước đây điều kiện tiếp xúc, đọc sách, nghiên cứu với giảng viên, giáo sư nước ngoài chưa cao Vì vậy, nhiều giảng viên khối nghệ thuật thường tìm hiểu lý thuyết qua các bản dịch, hoặc qua các công trình mà các tác giả có sử dụng các lý thuyết đó. Trong nghiên cứu khoa học, việc áp dụng lý thuyết vào công trình nghiên cứu là điều kiện bắt buộc. Khả năng lựa chọn, kỹ năng áp dụng các lý thuyết vào công trình nghiên cứu phụ thuộc vào trình độ, nền tảng lý luận của giảng viên. Trong điều kiện cũng như yêu cầu của nhà trường, một số giảng viên khối nghệ thuật gặp khá nhiều khó khăn trong giai đoạn đầu nghiên cứu. Khó khăn trước hết là việc chọn lựa các lý thuyết nghiên cứu phù hợp với hướng nghiên cứu của đề tài. Các trường hợp thường xảy ra là: hoặc giảng viên chọn lý thuyết nghiên cứu chưa phù hợp với hướng nghiên cứu của đề tài; hoặc giảng viên chọn nhiều lý thuyết nghiên cứu cho một đề tài. Những trường hợp đó đều ảnh hưởng đến kết quả nghiên cứu chung của đề tài.
Trong trường hợp chọn được lý thuyết nghiên cứu phù hợp, thì giảng viên khối nghệ thuật lại gặp khó khăn về kỹ năng ứng dụng lý thuyết nghiên cứu đó để giải quyết các câu hỏi nghiên cứu của đề tài. Rõ ràng, để có thể áp dụng một cách hiệu quả, thuần thục các lý thuyết nghiên cứu trong đề tài, nhà nghiên cứu phải trải qua quá trình rèn luyện trong thực tiễn nghiên cứu, phải có khả năng phân tích, đánh giá vấn đề được nghiên cứu, từ đó nhận diện được mức độ, phạm vi áp dụng lý thuyết nghiên cứu trong đề tài. Điều này là một trong những thách thức mà mỗi giảng viên khối nghệ thuật rất muốn có cơ hội, điều kiện tiếp cận nền giáo dục thế giới để học tập áp dụng trong môi trường đào tạo tại cơ sở mình giảng dạy. Hiện nay với chính sách mở cửa, các cơ quan quản lý nhà nước tổ chức chương trình học tập ngắn hạn, dài hạn để bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, tiếp cận công nghệ nghiên cứu khoa học mới nhất của thế giới để giúp các thầy cô lĩnh hội và có góc nhìn tiếp cận những nội dung lý thuyết khách quan, phong phú cho sự lựa chọn, từ đó giúp việc sử dụng các lý thuyết vào trong nghiên cứu của mình đáp ứng mục tiêu nhu cầu xã hội, vì vậy việc đăng ký học tập là trách nhiệm của mỗi giảng viên khối nghệ thuật để nâng cao năng lực chuyên môn, phát huy tính sáng tạo trong công việc đặc thù.
3. Thay lời kết
Tóm lại, trong hoạt động nghiên cứu khoa học ở mọi lĩnh vực, tìm hiểu và ứng dụng lý thuyết nghiên cứu để đi tìm lời giải cho các câu hỏi nghiên cứu, giải quyết các vấn đề mà công trình nghiên cứu đặt ra là một yêu cầu mang tính tất yếu của một nền khoa học phát triển bền vững. Vì vậy thực tế hiện nay, việc phối hợp với các chuyên gia trao đổi kinh nghiệm tại nước ngoài hoặc tại cơ sở như để các giảng viên đến dự giờ, trao đổi khoa học và nghiệp vụ tại các Khoa cùng ngành là việc cần thiết và có lộ trình thời gian liên tục để các giảng viên khối nghệ thuật tiếp tục được tiếp cận và vận dụng lý thuyết trong công trình của mình một cách khoa học, có chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế đáp ứng yêu cầu đào tạo theo nhu cầu xã hội hiên nay.
Lê Thị Vương Nguyệt - Khoa QLVH-NT
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Chí Bền (2006), Văn hóa Việt Nam – mấy vấn đề lý luận và thực tiễn, NXB. Văn hóa – Thông tin, Hà Nội.
2. Charles Harrison, Dr Paul J Wood, Jason Gaiger biên soạn (1991), Art in Theory 1648-1815: An Anthology of Changing Ideas , Publisher: Wiley-Blackwell.
3. Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam (2011), Nghiên cứu văn hóa – lý thuyết và thực hành (bản dịch của Đặng Tuyết Anh từ công trình của Chris Barker), NXB. Văn hóa – Thông tin, Hà Nội.
4. Kristine Stiles, Peter Selz (1996), Theories and Documents of Contemporary Art: A Source Book of Artists’ Writing, University of California Press.
Bùi Thị Thanh Mai, Vai trò của lý thuyết trong nghiên cứu nghệ thuật ở Việt Nam, đăng trên , cập nhật