Chương trình giao lưu nghệ thuật và thiện nguyện “Câu chuyện của những chiếc giày” do sinh viên Trường ĐH Văn hóa TP.HCM cùng một số đơn vị thực hiện vừa diễn ra tại Làng phong Quy Hòa, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Đây là chương trình đặc biệt dành riêng cho người dân ở Làng phong Quy Hòa và những công nhân ở xưởng đóng giày cho bệnh nhân phong tại đây.
“Câu chuyện của những chiếc giày” là chương trình ca - múa - nhạc - kịch và phim tư liệu với ba nội dung: Mảnh đất ân tình, Tình người làng phong và Những chiếc giày kể chuyện do chính các sinh viên và giảng viên Trường ĐH Văn hóa TP.HCM lên ý tưởng, tổ chức thực hiện và biểu diễn. Chương trình còn có sự tham gia của Trường ĐH Quy Nhơn, các công nhân xưởng đóng giày, đội ngũ y bác sĩ bệnh viện Phong – Da liễu Trung ương Quy Hòa và các bệnh nhân.
Sinh viên và giảng viên Trường ĐH Văn hóa TP.HCM tham gia chương trình
ThS Trần Hoàng Thái, Khoa Quản lý Văn hóa - nghệ thuật, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM chia sẻ, tại Làng phong Quy Hòa có một xưởng đóng giày đặc biệt chuyên sản xuất ra những đôi giày cho bệnh nhân phong. Nhờ có những đôi giày này mà người bệnh phong giảm bớt đau đớn trong đi lại, di chuyển dễ dàng hơn. Mặc dù công việc của những người thợ đóng giày rất khó nhọc và ý nghĩa nhưng thu nhập của họ lại bấp bênh. Bên cạnh đó đã nhiều năm nay nguồn kinh phí cho xưởng đóng giày của bệnh viện này ngày càng hạn hẹp, những người thợ phải cân đối, tiết kiệm tối đa chi phí trong việc đóng giày cho bệnh nhân… “Vì thế chúng tôi tổ chức sự kiện này nhằm tôn vinh những người thợ đóng giày, trao tặng họ cũng như các bệnh nhân phong những món quà giúp họ vững tin vào cuộc sống, đồng thời kêu gọi sự ủng hộ của mọi người phát huy tinh thần tương thân tương ái của cộng đồng tới những công nhân ở xưởng đóng giày đặc biệt này”, ông Thái cho hay.
Sinh viên mang quà tặng các bệnh nhân phong và những người thợ đóng giày
Tặng quà cho các bệnh nhân phong tại chương trình
Sinh viên Trường ĐH Văn hóa TP.HCM trao những món quà nghĩa tình đến bệnh nhân phong
Niềm vui khi đón nhận những món quà
Theo giảng viên, đạo diễn Huỳnh Công Duẫn, cố vấn chương trình, “Câu chuyện của những chiếc giày” cũng chính là dự án thi kết thúc học phần “Tổ chức sự kiện” của tập thể lớp Đại học Quản lý văn hóa 10.2, Khoa Quản lý Văn hóa - nghệ thuật, được thực hiện tại Làng phong Quy Hòa, tỉnh Bình Định. Đây là một trong những dự án mà Trường ĐH Văn hóa TP.HCM định hướng cho sinh viên thực hiện để kết thúc học phần môn học. Thông qua đây, nhà trường muốn sinh viên có sự đầu tư nghiêm túc vào việc học, để các em trải nghiệm và có sự cọ sát, làm quen với một dự án, tổ chức được sự kiện để các em thuần thục công việc ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Định hướng đào tạo của nhà trường trong những năm qua là gắn lý thuyết với thực tiễn, đẩy mạnh kỹ năng cho sinh viên, vì thế mà ngay khi tốt nghiệp các sinh viên có thể làm được việc ngay.
Các sinh viên cho biết, để thực hiện dự án này, các em gặp khá nhiều khó khăn như về thời gian, kinh phí, địa bàn thực hiện… Các sinh viên đã tổ chức 2 lần ra Làng phong Quy Hòa để khảo sát, liên hệ với các đơn vị, ghi hình làm phim tư liệu. Khó khăn nhất còn nằm ở vấn đề kinh phí, phải thuyết phục đơn vị tài trợ bằng tính khả thi và ý nghĩa nhân văn của dự án… Tuy nhiên, cũng nhờ vậy mà các bạn được trải nghiệm tất cả các khâu tổ chức của một sự kiện, rất cần thiết cho công việc thực tiễn sau này.
Được biết, trước đó các học viên, sinh viên nhà trường đã tổ chức thành công nhiều chương trình có ý nghĩa như chương trình giao lưu “Gọi tên ngày mới” dành riêng cho các phạm nhân tại trại giam Phước Hòa (xã Thạnh Hòa, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang); chương trình “Ngọn lửa Raglai” cho người dân ở xã Ma Nới, Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận; giao lưu nghệ thuật và gây quỹ thiện nguyện “Phước Thái sáng mãi ân tình” với việc lắp đặt 81 bóng đèn suốt chiều dài gần 6 km tại tỉnh Ninh Thuận… Sau “Câu chuyện của những chiếc giày”, các sinh viên Trường ĐH Văn hóa TP.HCM tiếp tục tổ chức chương trình “Đại ngàn - Khơi nguồn yêu thương” vào ngày 14.12 tại tỉnh Lâm Đồng, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số.
THÙY TRANG
Nguồn: //baovanhoa.vn/