Công nghiệp văn hóa là một ngành công nghiệp mới nổi bao gồm các hoạt động sản xuất sản phẩm, dịch vụ văn hóa gắn với yếu tố sáng tạo phục vụ cho thị trường và vì vậy có liên quan trực tiếp tới ngành công nghiệp sáng tạo nên còn được định nghĩa là ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo. Công nghiệp văn hóa trực tiếp ảnh hưởng tới kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa; nằm trong lĩnh vực kinh tế công nghiệp, kinh tế dịch vụ và kinh tế số; là điểm giao của nghệ thuật, kinh doanh và khoa học công nghệ; cầu nối giữa bản sắc văn hóa quốc gia và hội nhập quốc tế. Hoạt động của ngành chủ yếu gắn với ý tưởng sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ số.[1]
1. Trên thế giới
1.1. Công nghiệp văn hóa chiếm tỷ trọng đóng góp cao vào nền kinh tế chung
Theo Bản đồ toàn cầu đầu tiên về Công nghiệp Văn hóa và sáng tạo của UNESCO năm 2015 công bố năm 2017[2], thì công nghiệp văn hóa và sáng tạo (Cultural and Creative Industries - CCIs) có tổng doanh thu lên đến 2.250 nghìn tỷ USD và tạo công ăn việc làm cho 29,5 triệu lao động trên toàn cầu. Ðặc biệt hơn, đây là ngành công nghiệp trẻ theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng khi có tới gần 20% thành phần lao động ở độ tuổi từ 15 đến 29 (nhiều hơn bất kỳ lĩnh vực nghề nghiệp nào). Không chỉ vậy, CCIs được xem như chìa khóa phát triển của nhiều quốc gia, nhất là các nước thuộc khu vực châu Á. Thống kê của UNESCO cho thấy, châu Á với nhiều quốc gia có ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo hàng đầu như Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Ðộ đã trở thành thị trường CCIs lớn nhất thế giới, vượt trên cả châu Âu và Bắc Mỹ. Bên việc phục vụ, đáp ứng nhu cầu trong nước, xuất khẩu văn hóa từ lâu cũng nằm trong chiến lược phát triển của nhiều quốc gia.
Còn theo dữ liệu thống kê của Ngân hàng thế giới công bố năm 2019, tỷ lệ đóng góp doanh thu của ngành công nghiệp văn hóa (bao gồm cả lĩnh vực du lịch văn hóa) đối với tổng doanh thu toàn cầu là xấp xỉ 4,04% và đem lại việc làm chiếm tỷ trọng 2,21% tổng số lao động trên thế giới, lao động ngành có thu nhập cao gấp 2,44 lần so với mặt bằng chung[3].
Như vậy, công nghiệp văn hóa có khả năng đem lại nguồn thu lớn, lượng việc làm đáng kể, là ngành công nghiệp mũi nhọn của nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay.
Hình 1. Đóng góp của ngành công nghiệp văn hóa trên toàn cầu
1.2. Công nghiệp văn hóa có tính tái tạo, bền vững cao
Công nghiệp văn hóa đóng một vai trò vô cùng quan trọng, chính là ngành công nghiệp mang tính mở đường, giúp quảng cáo thương hiệu và khai thác thị trường cho các ngành công nghiệp khác.
Công nghiệp văn hóa sử dụng tài nguyên đầu vào là sự sáng tạo, các giá trị văn hóa. Vì thế ngành có ưu thế hơn về phát triển bền vững, không gây ô nhiễm tới môi trường hay phá hủy các nguồn tài nguyên.
Bên cạnh đó, các sản phẩm đầu ra của ngành thường là các sản phẩm phi vật thể, dạng dữ liệu, có tính kế thừa, có khả năng tái sử dụng cao.
Hình 2. 10 nền kinh tế sáng tạo nhất thế giới năm 2019
Hình 3. Bảng xếp hạng Bloomberg 2019 - Top 3 các quốc gia theo từng lĩnh vực của nền kinh tế sáng tạo
Như vậy, trong xu hướng toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ, các quốc gia có nền công nghiệp văn hóa kém phát triển sẽ dễ dàng trở thành quốc gia chuyên nhập khẩu và tiêu thụ sản phẩm văn hóa. Điều này vừa mất lợi thế trong thị trường nội địa vừa làm hạn chế khả năng phát triển ngành để xuất khẩu sản phẩm ra thị trường quốc tế.
2. Tại Việt Nam
2.1. Thực trạng ngành công nghiệp văn hóa
Theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố ngày 24/7/2019, Việt Nam lần đầu tiên lọt vào top 60 nền kinh tế sáng tạo nhất thế giới do công ty dịch vụ thông tin danh tiếng Bloomberg xếp hạng dựa trên 7 tiêu chí phổ quát[4].
Hình 4. Vị trí và điểm số của Việt Nam trong xếp hạng 60 nền kinh tế sáng tạo nhất thế giới của Bloomberg
Chiến lược phát triển các ngành Công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 được chính phủ phê duyệt tại QĐ số 1755/ QĐ-TTg, ngày 08/9/2016 đã xác định mục tiêu phát triển các ngành Công nghiệp văn hóa trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, phát triển rõ rệt về chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm thông qua việc sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm dịch vụ văn hóa đa dạng, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ và tiêu dùng văn hóa của người dân trong nước và xuất khẩu; góp phần quảng bá thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa; ưu tiên phát triển các ngành có nhiều lợi thế, tiềm năng của Việt Nam và mục tiêu cụ thể là phấn đấu doanh thu của các ngành Công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 3% GDP vào năm 2020 và 7% vào năm 2030 và tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội.
Hình 5. Quy mô tăng trưởng ngành Công nghiệp văn hóa trong tổng thể nền kinh tế Việt Nam từ nay tới 2030
Theo bản dự thảo Chiến lược phát triển các ngành Công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 do Hội đồng Anh (British Council) tại Việt Nam phối hợp cùng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã nghiên cứu, khảo sát và công bố[5]:
Năm điểm mạnh chính của ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam:
- Một nền văn hóa giàu có, độc đáo và đa dạng được hình thành qua nhiều thế kỷ.
- Tài năng sáng tạo của con người.
- Một lịch sử quyết liệt của sự thích ứng và cải tổ.
- Giá trị gia tăng đối với du lịch, sản xuất, đầu tư hướng đến trong nước và cạnh tranh khu vực.
- Sự tận tâm chiến lược từ Thủ tướng Chính phủ, từ khắp các cơ quan nhà nước và các đối tác chính.
Năm điểm yếu cơ bản về công nghiệp văn hóa Việt Nam:
- Quản trị nhà nước, quản lý và các mô hình đầu tư không phù hợp cho mục đích phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp văn hóa.
- Thiếu hụt các kỹ năng và quản lý; cộng với sự yếu kém tổng thể về giáo dục mang tính sáng tạo.
- Các cơ chế thích hợp cho thành công của công nghiệp văn hóa chưa được vận hành.
- Các mạng lưới làm việc trong lĩnh vực yếu với mức độ hợp tác và đối tác thấp.
- Thị trường nội địa và quốc tế cho các sản phẩm và dịch vụ văn hóa Việt Nam còn kém phát triển.
Năm cơ hội quan trọng cho công nghiệp văn hóa Việt Nam:
- Thiết lập thị trường nội địa và quốc tế rộng lớn cho các sản phẩm và dịch vụ văn hóa Việt Nam.
- Đổi mới cách thức tiếp cận về quản trị nhà nước, đầu tư và luật định cho ngành công nghiệp văn hóa để Việt Nam có được một nền kinh tế hiện đại trong văn hóa.
- Thiết lập văn hóa của sự tuyệt hảo và đổi mới ở khắp tất cả các phân ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.
- Thành lập một tập hợp của các tổ hợp sáng tạo chất lượng cao và các mạng lưới làm việc trong công nghiệp văn hóa.
- Định vị các ngành công nghiệp văn hóa như là nhân tố chính để bổ sung giá trị trong các lĩnh vực khác – ví dụ như, công nghệ về du lịch văn hóa và sản xuất.
Năm thách thức (hay đe dọa) lớn cho ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam:
- Thiếu hành động và sự trì trệ từ chính phủ và các đối tác.
- Sự thiếu hụt tiếp diễn trong giáo dục sáng tạo và những thiếu hụt nghiêm trọng về kỹ năng ở khắp ngành công nghiệp văn hóa.
- Thiếu kết nối mạng lưới và hợp tác làm việc; cộng với cấp độ thấp về xúc tiến thị trường lao động.
- Thị trường địa phương cho các dịch vụ và hàng hóa văn hóa còn yếu kém.
- Sự trì trệ về kinh tế.
2.2. Tóm lược các xu hướng vận động, phát triển của ngành công nghiệp văn hóa nước ta
Trước hết, trong thời gian tới, các hình thái sản xuất sản phẩm văn hóa sẽ xuất hiện đa dạng. Trong điều kiện chúng ta phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay, sẽ có loại hình thái do thị trường tự giải quyết, có loại bán công nghiệp, và có loại Nhà nước phải tự đứng ra làm.
Đồng thời, ngành công nghiệp văn hóa sẽ có sự sắp xếp lại các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ văn hóa theo hướng phù hợp với cấu trúc ngành công nghiệp văn hóa hiện nay của thế giới. Việc xã hội hóa trong lĩnh vực này rất được kỳ vọng sẽ thực hiện ngày càng hiệu quả hơn.
Tiếp theo, công nghiệp văn hóa dần có xu hướng tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn có tính cạnh tranh cao và năng động, đó là: du lịch văn hóa, công nghiệp báo chí - xuất bản, công nghiệp điện ảnh - truyền hình, công nghiệp âm nhạc và giải trí công cộng. Bên cạnh đó, cũng phát triển theo hướng đa dạng hóa và liên kết đa lĩnh vực các ngành thuộc công nghiệp văn hóa để đáp ứng nhu cầu phát triển nội ngành và phục vụ văn hóa đại chúng của xã hội.
Xu hướng mở rộng liên doanh, hợp tác với các nước trong khu vực và quốc tế để phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam sẽ diễn ra ngày càng sâu rộng hơn bởi sự gia tăng số lượng các ký kết, hiệp định đầu tư, thương mại giữa Việt Nam và quốc tế trong giai đoạn hiện nay cũng như sắp tới. Từ đó, đem lại nhiều cơ hội lớn để phát triển công nghiệp văn hóa có sự kết hợp giữa tính dân tộc và quốc tế.
Và cuối cùng, xu hướng hiện đại hóa, nhân văn hóa trong phát triển công nghiệp văn hóa. Phát triển ngành công nghiệp văn hóa vừa là nhiệm vụ của sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, vừa là ngành mũi nhọn của phát triển kinh tế. Phát triển công nghiệp văn hóa vì sự phát triển của đất nước và con người toàn diện.
Như vậy, phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam trong những năm tới là phát huy tính năng động, sáng tạo của các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ sở văn hóa, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau tham gia phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; nhằm tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa có chất lượng, góp phần tích cực vào việc đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần ngày càng cao của nhân dân, làm động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế về văn hóa.
KẾT LUẬN
Với tình hình hiện nay, phát triển công nghiệp văn hóa không chỉ là mục tiêu và động lực phát triển kinh tế mà trên thực tế, công nghiệp văn hóa đã được thừa nhận như một ngành sản xuất, như lực lượng sản xuất văn hóa, có khả năng tạo ra các sản phẩm tinh thần tốt đẹp cho xã hội, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần bảo đảm cho sự phát triển bền vững của các quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
BBT Khoa Văn hóa học
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- CISAC - the International Confederation of Societies of Authors and Composers, Cultural Times (2017), The first global map of cultural and creative industries.
- Hội đồng Anh (British Council) (2016), Bản dự thào Chiến lược phát triển các ngành Công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, //www.britishcouncil.vn/nghe-thuat/tu-lieu/chinh-sach
- Ngân hàng Thế Giới (2019), Báo cáo phát triển Việt Nam thịnh vượng 2019, //documents.worldbank.org/en/publication/documents-reports/documentdetail/817501579101801852/vietnam-development-report-2019-connecting-vietnam-for-growth-and-shared-prosperity
- Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam – Thực trạng và giải pháp, //tapchicongsan.org.vn (08/3/2018).
- Thủ tướng chính phủ (2016), Chiến lược phát triển các ngành Công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, phê duyệt tại QĐ số 1755/ QĐ-TTg, ngày 08/9/2016.
- Tuyển, P. D. (2017). Di sản thế giới tại ASEAN “Một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng”, Nhà xuất bản Xây dựng.
[1] Trích lược Tuyển, P. D. (2017). Di sản thế giới tại ASEAN “Một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng”, Nhà xuất bản Xây dựng.
[2] CISAC - the International Confederation of Societies of Authors and Composers, Cultural Times (2017). The first global map of cultural and creative industries.
[3]//documents.worldbank.org/en/publication/documents-reports/documentdetail/817501579101801852/vietnam-development-report-2019-connecting-vietnam-for-growth-and-shared-prosperity
[4] Xem 7 tiêu chí trong Chú thích hình 2
[5] //www.britishcouncil.vn/nghe-thuat/tu-lieu/chinh-sach