"Văn hoá đọc" gần đây đã được nhiều người đề cập với ý nghĩa là một hoạt động văn hoá của con người thông qua việc đọc sách báo, tài liệu để tiếp nhận và xử lý thông tin, tri thức một cách khoa học và bổ ích. Văn hoá đọc góp phần to lớn vào việc bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, hình thành và phát triển nhân cách con người. Ngày nay, dù trong bối cảnh có nhiều thuận lợi về sự phát triển của khoa học kỹ thuật, văn hoá đọc vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức không nhỏ. Đối với ngành Xuất bản, nếu văn hóa đọc phát triển sẽ là nền tảng quan trọng giúp cho ngành Xuất bản phát triển và ngược lại việc chủ động, tích cực từ các đơn vị trong ngành Xuất bản có thể góp phần giúp cho văn hóa đọc phát triển.
Tham gia buổi tọa đàm, về phía khách mời ngoài diễn giả là Ông Lê Hoàng thì có sự tham gia của một số giám đốc doanh nghiệp kinh doanh xuất bản phẩm, các anh chị cựu sinh viên; các đơn vị truyền thông như Báo Sài Gòn Giải Phóng, Báo Văn Hóa...; về phía trường Đại học Văn hóa Tp.HCM có ThS Thái Thu Hoài-Phó Trưởng Khoa Xuất bản, Phát hành; giảng viên các khoa Thư Viên Thông tin, Văn hóa học; các thầy cô Khoa Xuất bản, phát hành và toàn thể các bạn sinh viên thuộc 5 khóa trong khoa.
Buổi Tọa đàm được tổ chức theo hình thức trực tuyến vào sáng ngày 10/10 diễn ra với 121 đại biểu tham dự
Mở đầu buổi tọa đàm, từ văn phòng làm việc tại Đường sách Tp.HCM, ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam đã chia sẻ những câu chuyện vui liên quan đến sách trước khi bắt đầu trình bày chuyên đề Về người đọc – về thị trường, Về các chủ trương của đảng và nhà nước liên quan đến phát triển hoạt động xuất bản & văn hóa đọc đồng thời kiến nghị những giải pháp để phát triển văn hóa đọc, phát triển ngành Xuất bản.
Ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam trình bày chuyên đề của mình từ văn phòng làm việc
Theo ông Lê Hoàng, trọng tâm của phát triển văn hóa đọc của mỗi cá nhân gồm 3 thành phần đó là: thói quen đọc, sở thích đọc, kỹ năng đọc. Hiện tại, văn hóa đọc của người Việt quá thấp, do đa số người Việt Nam không có thói quen đọc sách, một thói quen chưa được tạo dựng từ khi còn bé hay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Để đẩy mạnh văn hóa đọc, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến hoạt động ngành xuất bản và phát triển văn hóa đọc. Ngoài những giải pháp phát triển văn hóa đọc thông qua các hoạt động hình thành thói quen đọc trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức thì việc Hướng dẫn phương pháp, kỹ năng đọc, khai thác tài nguyên thông tin cho trẻ em tại thư viện cơ sở giáo dục mầm non, thư viện cơ sở giáo dục phổ thông cũng đóng vai trò hết sức quan trọng.
Đối với giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất bản và phát triển văn hóa đọc được nêu ra tại tọa đàm là: cần thành lập một Ủy ban quốc gia phát triển văn hóa đọc Việt Nam; tiến hành nghiên cứu, khảo sát định kỳ 5 năm một lần về thực trạng đọc trong xã hội làm cơ sở xây dựng các kế hoạch dài hạn phát triển toàn diện và đồng bộ văn hóa đọc; bổ sung một số điều khoản về nội dung phát triển văn hóa đọc vào Bộ Luật xuất bản sửa đổi sắp tới; đẩy mạnh các hoạt động phát triển văn hóa đọc nhân ngày sách Việt Vam (21/4) hàng năm; kiến nghị Bộ GD-ĐT đưa tiết đọc sách vào khung giờ chính khóa của nhà trường các cấp; đưa các hoạt động phát triển văn hóa đọc vào trường học…
Bên cạnh đó, ông cũng cho biết thêm về tình hình doanh thu những tháng vừa qua của các doanh nghiệp kinh doanh xuất bản phẩm gần như ở mức số 0 mặc dù đơn đặt hàng tăng 70% so với bình thường, nhưng trong bối cảnh giãn cách xã hội bởi dịch covid thì việc đặt hàng qua sàn điện tử vẫn không giao sách được đến khách hàng.
Sau phần trình bày của diễn giả, ban tổ chức đã nhận được rất nhiều câu hỏi tích cực đặt ra từ phía các bạn sinh viên như của bạn Minh Châu lớp ĐHKDXBP15 “ Sinh viên cần có kỹ năng gì để có thể đáp ứng nhu cầu của ngành Xuất bản ?, bạn Cẩm Tiên- lớp ĐHKDXBP 12 “ Văn hóa nghe nhìn hiện lấn át hơn văn hóa đọc, vậy giải pháp để văn hóa đọc có chỗ đứng cho mình? “, bạn Phương Mai- lớp ĐHKDXBP 12 “Xuất bản là ngành quan trọng, vừa tạo ra kinh tế vừa cung cấp tri thức văn hóa cho xã hội, nhưng vì sao ngành xuất bản lại chưa thể "hot" như kinh tế, truyền thông, kỹ thuật...?”
ThS. Thái Thu Hoài– Phó Trưởng Khoa Xuất bản, Phát hành – “người dẫn chương trình” tại Tọa đàm
Trả lời câu hỏi của bạn Minh Châu, ông Lê Hoàng cho rằng điều quan trọng đối với sinh viên sau khi ra trường chính là kỹ năng làm việc mà sinh viên cần thực hành thường xuyên, đối với lĩnh vực phát hành sách thì kỹ năng bán hàng hết sức quan trọng và công ty Đường Sách Tp.HCM luôn sẵn sàng hỗ trợ các bạn. Đối với câu hỏi “Văn hóa hiện nghe nhìn lấn át văn hóa đọc đến mức sẽ tiêu diệt văn hóa đọc luôn hay không?" thì câu trả lời của ông là không vì văn hóa đọc và văn hóa nghe nhìn đáp ứng 2 nhu cầu khác nhau. Văn hóa đọc đáp ứng nhu cầu giáo dục, còn văn hóa nghe nhìn đáp ứng nhu cầu giải trí. Nếu cha mẹ quan tâm đến nhu cầu giáo dục cho con cái thì cha mẹ sẽ tập cho trẻ thói quen nghe đọc sách từ còn nhỏ.
Về câu hỏi của bạn Phương Mai, ông thừa nhận đúng là ngành kinh tế, truyền thông… “hot”, lương cao nhưng mức độ cạnh tranh, đào thải cũng cao. Riêng ngành Xuất bản không “hot” vì thu nhập không cao nhưng có mức độ ổn định hơn. Kiến thức của nhân loại là kho tàng vô tận và không ngừng tăng lên, ngành Xuất bản có cả một kho tàng tri thức khổng lồ để khai thác mà không lo bao giờ sẽ cạn kiệt.
Cùng quan điểm với ông Lê Hoàng, Ông Trần Anh Tuấn Giám đốc công sách giáo dục Sài Gòn cũng chia sẻ nhu cầu tuyển dụng đối với ngành Xuất bản rất lớn, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh xuất bản phẩm đều nhận các nhân sự trái ngành từ các ngành khác chuyển qua như kinh tế, kỹ thuật…. Điều quan trọng là các bạn cần xây dựng hình ảnh thương hiệu của bản thân, không ngừng rèn luyện kỹ năng làm việc và xây dựng niềm đam mê để gắn bó lâu dài với nghề.
Ông Trần Anh Tuấn Giám đốc Công ty Sách giáo dục Sài Gòn chia sẻ quan điểm tại buổi tọa đàm
Dù đã đến 12 giờ trưa nhưng ban tổ chức vẫn nhận được rất nhiều câu hỏi từ phía các bạn sinh viên lớp ĐHKDXBP 14, 12, 15 nên ban tổ chức quyết định tổ chức tập hợp, phân loại các câu hỏi của các bạn để giải đáp, chuyển đến diễn giả trả lời các câu hỏi của các bạn sau.
Tài trợ quà tặng cho tọa đàm có Công ty sách nói Voice FM dành 100 codes sách nói dành cho đại biểu tham dự, Công ty TNHH Đường sách Tp. HCM gửi tặng sách dành cho những người có tương tác bằng những câu hỏi trong tọa đàm.
Mặc dù do tình hình dịch bệnh COVID 19, nên buổi tọa đàm này không thể diễn ra theo hình thức trực tiếp mà phải diễn ra trên môi trường trực tuyến, đồng thời thời gian tổ chức tọa đàm cũng hạn chế. Nhưng với tinh thần trách nhiệm trong việc tổ chức những buổi sinh hoạt chuyên môn cho sinh viên, Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Văn hóa đọc và sự phát triển của ngành Xuất bản trong tương lai” đã diễn ra trong không khí sôi nổi, hào hứng, tích cực và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình, nhiều câu hỏi đặt ra từ phía các bạn sinh viên cho diễn giả.
Kết thúc buổi Tọa đàm, ThS. Thái Thu Hoài cảm ơn các anh chị giám đốc các công ty kinh doanh xuất bản phẩm, các phóng viên, thầy cô, các bạn sinh viên trong khoa đã nhiệt tình tham dự buổi tọa đàm đông đủ dù là ngày nghỉ, đồng thời cô cũng không quên cảm ơn diễn giả chính của buổi tọa đàm- Ông Lê Hoàng đã cung cấp nhiều kiến thức hay, bổ ích cho sinh viên, giúp sinh viên từng bước xây dựng được tình yêu nghề trên con đường lập thân, lập nghiệp trong ngành Xuất bản.
Tin, ảnh: N.Thanh