Những ngày giữa tháng 5.2018, chúng tôi được tiếp cận những lý thuyết cơ bản, đầu tiên về môn “Tổ chức sự kiện” từ người thầy nhiều kinh nghiệm trong nghề - Thạc sĩ, Đạo diễn Hoàng Duẩn, cùng cố vấn chương trình Thạc sĩ Phạm Phương Thùy. Với những ý tưởng ban đầu, Ban Tổ chức đưa ra nhiều cái tên như: “Hát Cho Tương Lai”, “Kết Nối Những Trái Tim”... cho đến những ngày cận kề, một chủ đề chỉ gói gọn trong 4 từ đã được thầy “chốt”: “GỌI TÊN NGÀY MỚI”... Đây là chương trình giao lưu nghệ thuật mang nhiều ý nghĩa nhân văn được Tập thể lớp Liên thông Đại học Quản lý văn hóa khóa 2 (tại Tiền Giang) phối hợp với Trại giam Phước Hòa (thuộc Bộ công an), xã Thạnh Hòa, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang.
Bắt đầu từ những ý tưởng của Lớp, của Bạn và của …Anh
Khi thầy “chốt” lại các ý tưởng của lớp và gợi mở thêm một vài ý tưởng mới, nhiều thành viên của lớp ra sức thuyết trình bảo vệ ý tưởng của mình bằng những lời hoa mỹ, những dẫn chứng không thể thuyết phục hơn.
Anh - một thành viên của lớp đã đứng lên và… kể. Anh kể mình có người bạn vào trại giam, thiếu thốn lắm, đặc biệt là đời sống tinh thần. Ngày ra trại, anh và bạn anh ngồi cùng nhau, anh nói nghe bạn kể những câu chuyện vừa trải qua mà anh không cầm được nước mắt, rồi hai người ôm nhau khóc. Câu chuyện còn dở dang ở đó, anh mong ước có một chương trình được tổ chức ở trại để những người lầm lỡ được tiếp thêm động lực làm lại cuộc đời.
Bạn - ngồi kế bên, hai đứa dường như luôn có những ý tưởng trùng nhau. Vậy mà ngày đẹp trời ấy, tôi và bạn lại có hai ý tưởng trái chiều nhau. Lúc đầu, bạn e ngại, chưa dám trình bày ý tưởng của mình, vì “hát cho phạm nhân nghe” là ý tưởng không phải mới, nhưng làm luôn một sự kiện là chuyện rất mới. Liệu lớp có đồng tình không? Khi bạn say sưa với ý tưởng, đúng vào lúc anh bạn trong lớp tiếp nối luôn một câu chuyện “người thật, việc thật” (như đã kể ở trên), các bạn trong lớp đứng ra “bảo lãnh” luôn chuyện liên hệ địa điểm. Bạn tôi vui sướng lẫn lo lắng. Bạn bớt đi một nỗi lo mà thêm phần trách nhiệm – khi tập tành làm đạo diễn…
Bạn Minh Thoại (trái) làm đạo diễn, kiêm luôn âm thanh...chỉnh nhạc...
Bạn - là một người có những phát ngôn ấn tượng. Những ngày đầu học môn Tổ chức sự kiện, lớp vui lắm, thầy giảng và kể chuyện nghề, cả lớp tha hồ được cười và chiêm nghiệm những sự kiện mà thầy đã trải qua, từ thành công đến thất bại. Bài tập đến, khi thầy bảo mỗi người trình bày một ý tưởng. Bạn đưa ra ý tưởng làm một sự kiện hoành tráng ở Quảng trường tỉnh Long An, một sự thuộc dạng có một không hai, sau một hồi thuyết trình và bảo vệ ý tưởng của mình bằng mọi giá. Phần kết, bạn tuyên bố một câu “xanh rờn” với đại ý là “học Đạo diễn Hoàng “Dững” (Duẩn) mà!”. (đại ý là học đạo diễn Hoàng Duẩn thì phải thế!).
Giờ đây, khi 150 tiết của môn Tổ chức sự kiện kết thúc, khi chương trình “Gọi tên ngày mới” kết thúc nhưng những niềm hạnh phúc thì chưa bao giờ vơi đi trong chúng tôi. Chúng tôi nhận thấy điều bạn tiên đoán quá đúng. Những gì chúng tôi học được không chỉ là lý thuyết suông mà đã được trải nghiệm thực tế...những bài học thực tiễn không thể ý nghĩa hơn.
"Thả tim" trước khi xuất phát...
Đam mê, sáng tạo và chữ “Tâm” khi làm việc
Thầy nói với lớp, nếu chỉ cần qua môn, thầy cho các em “tổ chức sinh nhật”. Còn khi học tổ chức sự kiện thì phải làm tới nơi tới chốn. Nếu bạn không chịu được áp lực, không đam mê, hứng thú với việc mình làm thì thật khó khi bạn làm sự kiện. Có những lúc bạn quên ăn, mất ngủ vì những ý tưởng cứ tuôn trào, chỉ cần bạn ngừng lại là ý vụt đi đâu mất. Bạn hình dung tất cả mọi diễn biến khi viết từng câu, từng ý trong kịch bản. Bạn phải nhập vai tất cả nhân vật để dự đoán các tình huống phát sinh. Mỗi một sự kiện, bạn luôn cần có những “nút thắt, mở”, có tiết mục “đinh” hay phải có tiết mục “cao trào”... thì mới đúng chất một sự kiện. Và bạn biết không, cần lắm chữ “Tâm” khi làm nghề. Bạn không thể đem cái “hời hợt, cẩu thả” lên sân khấu dù chỉ là một chi tiết nhỏ. Khi kịch bản càng chi tiết, khi sự chuẩn bị của bạn càng chu đáo thì khả năng thành công của bạn sẽ theo Quy luật 80/20: 80% phần thắng của bạn nằm ở 20% cái “lõi” của chương trình. Do vậy, bạn phải có cái đầu sáng tạo, mới mẻ... Muốn vậy, bạn cần đi nhiều, đọc nhiều và hơn hết là trải nghiệm thực tế...
Trưởng BTC anh Dương Ngọc Ngần "được" phát biểu, có người khiêng bục cho mà vẫn còn ...run
15 năm những bữa cơm gia đình vắng bóng anh và cái ôm sau ngần ấy thời gian
Như kế hoạch, đúng 7h, 21/8, đoàn xe đưa êkip thực hiện chương trình “Gọi Tên Ngày Mới” đến Trại giam Phước Hòa. Vừa đến trại giam, chúng tôi đã bắt tay vào việc, không ai bảo ai, mỗi người một việc. Đúng 9h, tất cả đã sẵn sàng để chạy chương trình lần cuối trước giờ diễn. Đúng 13h30, các phạm nhân được đưa đến hội trường. Lần lượt từng người ngồi ngay ngắn, đúng vị trí quy định theo hướng dẫn của cán bộ quản giáo, trên mặt mỗi phạm nhân toát lên vẻ phấn khởi khi sự kiện chuẩn bị bắt đầu. Chắc lâu lắm rồi họ mới có một ngày vui như hội. Mỗi khi ca sĩ bước ra, họ vỗ tay không ngớt. Rồi đến tiết mục “đinh” của chương trình, họ đã khóc… Giọt nước mắt của sự nhớ nhung, đồng cảm, tiếc nuối, hối hận... Bao nhiêu năm rồi, họ không một bữa cơm bên gia đình, không có hơi ấm của người mẹ, người cha từ ngày vướng vào vòng lao lý... “Gọi Tên Ngày Mới” đã mang đến cho họ một niềm tin, hy vọng vào tương lai tươi sáng...
Say sưa với các tiết mục...
Con người sinh ra, không ai hoàn thiện, có người chỉ vì một phút thiếu nghĩ suy đã đánh mất gần cả cuộc đời sau cánh cửa song sắt, để rồi những đấng sinh thành ngày đêm đau đáu nỗi nhớ con... 5 năm, 10 năm, 15 năm... và nhiều hơn nữa... Bữa cơm gia đình tưởng chừng rất đỗi bình thường, quen thuộc thì lại lạnh lẽo, đìu hiu, khi cái chén, đôi đũa dư thừa trên bàn. Đôi mắt cha mẹ cứ mỏi mòn chờ đợi, mong ngóng con. Bao giờ con trở về? Câu hỏi thật khó trả lời khi Tòa đã tuyên án…
Hạnh phúc của Mẹ và con ngày gặp lại...
“Gọi Tên Ngày Mới” cho bình yên quay về...
Ngồi một góc trong hội trường, như bao phạm nhân khác, anh chăm chú xem các tiết mục văn nghệ. Rồi bất chợt, trên màn hình phía trước sân khấu hiện ra hình ảnh của hai đấng sinh thành, nhìn từng giọt nước mắt lăn dài trên đôi mắt của ba mẹ vì nhớ con, anh khóc như một đứa trẻ... Khi MC hỏi ước muốn của anh lúc này là gì? Anh nói muốn gặp Mẹ. Mẹ xuất hiện ngay sau câu nói của anh, như một phép nhiệm màu. Hai mẹ con ôm nhau khóc, bao nỗi nhớ thương cứ chực trào sau 15 năm xa cách. Nhìn cảnh ấy, rất nhiều phạm nhân cũng đã rơi lệ. Họ khát khao được trở về, được làm lại từ đầu, được ở bên gia đình. Họ cần lắm sự thứ tha, sự bao dung của cộng đồng xã hội. Con đường trở về của họ sẽ gần hơn khi họ có thêm niềm tin và nghị lực. Nếu có thể, xin một lần ta mở rộng trái tim cho họ có động lực để tìm về với cái Thiện... như thông điệp chương trình: “Ở đâu sống thiện. Ở đó sống bình an. Giông bão đi qua, ngày mai trời lại sáng”. Mong một ngày mới, vầng thái dương tỏa sáng, sưởi ấm trái tim người ở lại, tiếp thêm động lực cho những đứa con lầm lỡ làm lại cuộc đời. Mỗi ngày là một cơ hội mới để họ đi qua giông bão, gọi bình yên quay về “Đất trại giam ươm mầm tu nhân đức. Mái ấm hoàn lương thiện nảy mầm...”
Mang niềm vui cho người, nhận quan tâm cho mình
Nhớ lại từ khi mới hình thành ý tưởng tổ chức sự kiện này. Anh Phùng Cao Sáng đã xúc động khi nêu lên ý kiến của mình trong lúc chúng tôi lựa chọn chủ đề và kể về một người bạn mà anh quen biết, vì một tai nạn giao thông gây chết người và anh đã trả giá vì lỗi vô ý của mình. Anh xúc động khi kêu gọi lớp hãy tổ chức chương trình “Hát cho tương lai” ( ý tưởng lúc đầu của chương trình), và nay là chương trình “Gọi tên ngày mới” với một ý nghĩa và thông điệp đơn giản nhưng đầy tính nhân văn. Anh Sáng ơi, nay anh đã trở về với đất mẹ, Anh có thấy không…..tập thể lớp đã hoàn thành xuất sắc chương trình, cũng như ước nguyện của Anh là đem đến nụ cười, niềm vui, cũng như sự tự nhận thức của các Anh phạm nơi đây (chúng tôi thường tránh dùng từ phạm nhân khi nói về các anh)….
Tập thể lớp tặng hoa cho Thầy Ths-Đạo diễn Hoàng Duẩn và cô Ths Phạm Phương Thùy hai giảng viên của học phần
“Gọi tên ngày mới” đã nhận thành công ngoài mong đợi và thành quả đã được ghi nhận qua những hình ảnh xuất hiện trên báo, truyền hình và các cơ quan truyền thông khác. Không biết nói gì hơn, ngoài sự cảm ơn sâu sắc đến người Thầy kính yêu (Ths.đạo diễn Hoàng Duẩn), Người Thầy luôn tâm huyết và tận tâm truyền đạt kinh nghiệm đúc kết từ thực tiễn của bản thân đến cho sinh viên chúng tôi, những bài học, kinh nghiệm thực tiễn dù nhỏ nhất đối với người tổ chức sự kiện như việc bắt tay tặng hoa, hay việc đi đứng của PGs trên sân khấu…. cũng là bài học đối với chúng tôi. Chúng tôi cũng sẽ không bao giờ quên được hình ảnh thân thương của cô giáo nhỏ nhắn, xinh xắn nhưng luôn theo sát chúng tôi trong quá trình thực hiện chương trình, Cô đã thức khuya hàng giờ đồng hồ để cùng chúng tôi chỉnh sửa kịch bản, và chuẩn cho những công việc tiếp theo Ths. Phạm Phương Thùy. Chúng tôi thấy mình rất vinh dự và lòng đầy tự hào khi được Thầy và Cô trực tiếp giảng dạy, cảm ơn Khoa Quản lý Văn hóa nghệ thuật, Trường Đại học văn hóa Hồ Chí Minh đã cử Thầy Cô đến với lớp chúng tôi. Chúng tôi cũng vô cùng hạnh phúc khi chương trình diễn ra đã nhận được sự quan tâm và tham dự của nhiều thầy cô và quí đại biểu. Có lẽ hiếm khi có sự kiện thi kết thúc môn được tổ chức ở các tỉnh mà có mặt đông đủ các thầy cô giáo trong Khoa. Cám ơn cô TS Vũ Thị Phương - Tổ trưởng QLVH, Ths. Hoàng Thị Nhung, Ths Lê Hồng Khanh và Thầy Nguyễn Ngọc Lâm.
Tập thể lớp tặng hoa Thầy cô Khoa QLVH,NT. TS Vũ Thì Phương, Ths Hoàng Thị Nhung, Thầy Nguyễn Ngọc Lâm, Ths Lê Hồng Khanh
Và đặc biệt lớp còn nhận được sự quan tâm từ xa của Ths Lê Thị Vương Nguyệt, Ths Hồ Phong, và thầy Ths Trịnh Đăng Khoa - phụ trách Khoa QLVH,NT và sự quan tâm thầm lặng của GVCN – cô Nguyễn Thị Minh Thuyên của trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Tiền Giang. Đến tham dự sự kiện có sự hiện diện của Ông Trần Thanh Phúc - Phó GĐ Sở VH,TT&DL Tiền Giang; Về phía Trại giam Phước Hòa có Đ/c Thượng tá Nguyễn Văn Đông - Giám thị Trại giam; Đặc biệt, chương trình còn có sự xuất hiện bất ngờ của nhà báo Thục Uyên - báo Sài Gòn Giải Phóng và Đài PT-TH Tiền Giang, báo Ấp Bắc cũng cử phóng viên đến dự và đưa tin về chương trình.
Tặng hoa cám ơn lãnh đạo Sở VH, TT & DL Tiền Giang
Tặng quà cho Trại Giam....
Chương trình sự kiện “ Gọi tên ngày mới” đã kết thúc nhưng đây lại chính là sự bắt đầu ngày mới đối với chúng tôi, môn học “Tổ chức sự kiện” thật sự vô cùng ý nghĩa và mang đậm dấu ấn trong đào tạo của Khoa Quản lý Văn hóa nghệ thuật trường Đại học văn hóa TP.HCM./.
Những hình ảnh trải nghiệm trong sự kiện:
Công tác truyền thông trực quan
Xuất phát....
Thầy Nguyễn Ngọc Lâm tham giả biểu diễn trong chương trình...
Phượng Ngân biểu diễn sôi động trên sân khấu
Tiếng hát ngọt ngào của Việt Sử
Tốp ca nam của lớp biểu diễn
Các tiết mục biểu diễn của lớp....và ca sĩ khách mời...
2 MC duyên dáng của sự kiện : Kim Phượng và Việt Luân
Thầy cô Khoa QLVH,NT tham dự sự kiện
Khách mời, thầy cô chụp hình lưu niệm cùng các học viên của lớp
"Gọi tên ngày mới " kết thúc để mở đầu....
Bài cảm nhận: Trần Thị Kim Phượng - Kim Nhi
(Lớp Liên thông Đại học Quản lý văn hóa K.2-Tiền Giang)
Ảnh: Tấn Thành và Lớp LTĐHQLVH K2-TG
Biên tập: Hoàng Trịnh - Trường Đình